Cổ phiếu doanh nghiệp nào kỳ vọng được hưởng lợi? Tỷ giá USD/VND "lên đỉnh"
Tỷ giá USD/VND "lên đỉnh" Tính từ đầu năm đến nay, Cục dự trữ Liên Bang Mỹ đã có 4 lần tăng lãi suất và 2 lần giữ nguyên, mỗi lần tăng 25 điểm cơ bản. Nếu xét từ 2022, Cục dự trữ Liên Bang Mỹ đã tăng lãi suất 11 lần và lãi suất hiện đang chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây.
Tỷ giá USD/VND gia tăng tác động tới hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vay USD, xuất nhập khẩu có thể gặp sự thay đổi ngay trong quý 3.
Dollar Index lên cao nhất từ đầu năm, tỷ giá USD/VND neo ở đỉnh lịch sử
Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ được công bố tăng 0,6% trong tháng 8/2023, và cao hơn 3,7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao vượt dự báo và cách xa so với mục tiêu 2% cho năm 2023 của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ. Điều này khiến chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của đồng đô la Mỹ so với 6 đồng tiền chủ chốt, neo quanh vùng cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay, trên ngưỡng 107 điểm.
Trong báo cáo tác động tỷ giá gần đây, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá chênh lệch giữa chính sách giảm lãi suất của Việt Nam, và duy trì lãi suất cao của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỷ giá gia tăng. Theo đó, việc tiếp tục giảm lãi suất của NHNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp nào hưởng lợi
Theo ước tính mức độ tác động lên lợi nhuận trước thuế, Mirae Asset nhận định rằng các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chêch lệch tỷ giá hối đoái . Điều này kéo theo sự thay đổi làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD. Tuy nhiên, tùy vào doanh nghiệp cụ thể nếu phát sinh doanh thu từ USD, hoặc hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác từ đó đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chêch lệch tỷ giá.
Cụ thể, ngành công nghệ (CMG, FPT, …) được đánh giá hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm. Riêng với FPT, doanh nghiệp hưởng lợi chênh lệch tỷ giá từ xuất khẩu nhưng FPT có khoảng 381 triệu USD nợ vay, điều này sẽ làm giảm phần lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu.
Với nhóm thủy sản (VHC, MPC, IDI, ANV, FMC, …), MASVN kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi doanh nghiệp thủy sản phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.
Song song, nhóm cao su (DPR, PHR, …) thường nợ vay bằng USD không đáng kể và là những doanh nghiệp cao su xuất khẩu ròng, do đó hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng. Ngành thực phẩm (LTG, TAR, PAN, …) là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, có thể hưởng lợi chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng, MASVN chỉ rõ.
Tuy nhiên, đội ngũ phân tích quan sát thấy ngành dệt may (GIL, TCM, TNG, …) nhìn chung dưới áp lực của tỷ giá sẽ nhận tác động 2 chiều, bởi phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu. Vì vậy, biến động tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh.